Nông thôn Việt Nam là khu vực rộng lớn và đông dân nhất với sự đa dạng về thành phần tộc người, văn hóa, là nơi bảo tồn và lưu giữ các phong tục, tập quán của cộng đồng. Đứng trước sự phát triển kinh tế và xu thế hội nhập hiện nay, Đảng và Nhà nước ta xác định là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Vậy nông thôn mới là gì? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các nội dung liên quan đến nông thôn mới nhé.
Trên thế giới, có rất nhiều quan điểm khác nhau về nông thôn được đưa ra. Theo đó, cho đến hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn xác về nông thôn. Có nhiều quan điểm cho rằng việc xác định vùng nông thôn sẽ dựa vào chỉ tiêu trình độ phát triển của cơ sở hạ tầng. Cụ thể, vùng nông thôn là vùng có cơ sở hạ tầng kém phát triển hơn so với các vùng đô thị. Bên cạnh đó, một số quan điểm khác lại cho rằng để xác định vùng nông thôn cần dựa vào chỉ tiêu trình độ tiếp cận thị trường, phát triển hàng hoá bởi vì họ cho rằng vùng nông thôn có trình độ sản xuất hàng hoá và khả năng tiếp cận thị trường thấp hơn so với đô thị. Ngoài ra, cũng có các quan điểm khác cho rằng nên dùng chỉ tiêu mật độ dân cư và số lượng dân trong vùng để xác định vùng nông thôn bởi số dân và mật độ dân số ở vùng nông thôn thấp hơn vùng thành thị.
Một quan điểm khác lại nhận định rằng khái niệm nông thôn chỉ mang tính tương đối, nó sẽ thay đổi theo thời gian và theo tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, trong điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay, khái niệm nông thôn có thể được hiểu là là vùng sinh sống của tập hợp cư dân, trong đó phần nhiều là nông dân. Tập hợp cư dân này tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường trong một thể chế chính trị nhất định và chịu ảnh hưởng của các tổ chức khác.
Có thể nói, phát triển nông thôn là một phạm trù rộng và được định nghĩa dựa trên nhiều quan điểm khác nhau. Thuật ngữ này cũng được nghiên cứu và triển khai ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, phát triển nông thôn được đề cập và có sự thay đổi về nhận thức qua từng thời kỳ. Thế nhưng chúng ta vẫn chưa có được sự tổng hợp lý luận về thuật ngữ này.
Theo Vũ Thị Bình (2006) phát triển nông thôn được định nghĩa là một chiến lược nhằm cải thiện các điều kiện sống về cả mặt kinh tế và xã hội của một nhóm người cụ thể (người nghèo) sinh sống tại vùng nông thôn. Phát triển kinh tế giúp những người nghèo nhất trong toàn bộ những người dân sống tại các vùng nông thôn được hưởng lợi ích từ sự phát triển.
Theo Nguyễn Văn Tâm (2010), dựa trên điều kiện thực tế của Việt Nam, các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, thuật ngữ phát triển nông thôn được hiểu là quá trình cải thiện có chủ ý một cách bền vững về các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn và có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước và các tổ chức khác.
Đề cập lần đầu tiên trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông thôn mới được định nghĩa là nông thôn tiến bộ, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đời sống văn hóa phong phú. Song song với đó, nông thôn mới cũng phải giữ được tính truyền thống, những nét đặc trưng nhất, bản sắc nhất của từng vùng, từng dân tộc và nâng cao giá trị đoàn kết của cộng đồng, mức sống của người dân.
Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa ra mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới cần có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại với cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ, gắn với đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Nông thôn mới là gì?
Bài viết cùng chuyên mục:
→ Mẫu đề tài Luận văn thạc sĩ Quản lý kinh tế miễn phí mới nhất
Nông thôn là vùng lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã… chịu sự quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Ủy ban nhân dân xã.
Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất đồng bộ, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị theo quy hoạch.
Xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.
Xây dựng giai cấp nông dân và củng cố liên minh công nhân, nông dân và trí thức vững mạnh từ đó tạo nên nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về kinh tế: Nông thôn mới được xây dựng với nền sản xuất hàng hóa mở, hướng đến thị trường và từng bước giao lưu, hội nhập. Để đạt được điều đó, cần xây dựng cơ sở hạ tầng của nông thôn phải hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng sản xuất, giao lưu buôn bán và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Thúc đẩy nông nghiệp và nông thôn phát triển nhanh, kích thích mọi người tham gia vào thị trường, hạn chế rủi ro cho nông dân, điều chỉnh và giảm bớt sự phân hóa giàu nghèo, chênh lệch về mức sống giữa các vùng, miền. Ngoài ra, nông thôn mới cũng góp phần xây dựng mới các hợp tác xã theo mô hình kinh doanh đa ngành, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ phù hợp với các phương án sản xuất, kinh doanh và phát triển ngành nghề ở nông thôn.
Về chính trị: Nông thôn mới giúp phát huy tính dân chủ với tinh thần tôn trọng pháp luật, gắn lệ hàng, hương ước với pháp luật để điều chỉnh hành vi con người, đảm bảo tính pháp lý, phát huy tính tự chủ của làng xã. Bên cạnh đó cũng phát huy tối đa quy chế dân chủ cơ sở, tôn trọng hoạt động của các hội, đoàn thể và các tổ chức hiệp hội vì lợi ích cộng đồng.
Về văn hóa - xã hội: Nông thôn mới góp phần tăng cường dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò tự chủ trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Về con người: Người nông dân và các cộng đồng nông thôn là trung tâm của mọi chiến lược phát triển nông thôn, nông nghiệp. Đưa nông dân vào sản xuất hàng hóa, doanh nhân hóa nông dân và doanh nghiệp hóa các cộng đồng dân cư, thị trường hóa nông thôn.
Về môi trường: Việc xây dựng nông thôn mới sẽ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn, bảo vệ rừng đầu nguồn, chống ô nhiễm nguồn nước, môi trường không khí và chất thải từ đó đảm bảo nông thôn phát triển bền vững.
Vai trò của nông thôn mới đối với phát triển kinh tế xã hội là gì?
Theo đường lối của đảng, trong những năm qua phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra sôi nổi khắp các địa phương trên cả nước, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng và phát huy được sức mạnh toàn xã hội. Với điều kiện nguồn lực có bạn, Ban Chỉ đạo đã thống nhất các xã lựa chọn những tiêu chí (trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới) mà đa số người dân thấy cần thì tập trung làm trước, khuyến khích triển khai những công việc từng thôn, xóm, từng hộ dân có thể làm được. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lanh động nông thôn theo hướng nâng cao kỹ năng tay nghề và giải quyết việc làm cho nông dân theo cả hai hướng là phi nông nghiệp cũng được quan tâm. Chất lượng giáo dục, y tế và xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh nông thôn cũng được chú trọng phát triển.
Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ 2010-2020 đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân và lôi cuốn người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã dần trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên phạm vi cả nước với những thành tựu đáng kể tạo bước ngoặt lớn trong phát triển nông thôn. Bộ mặt nông thôn có sự khởi sắc rõ rệt, từng bước gắn phát triển nông thôn toàn diện với cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, tình hình chính trị và xã hội ổn định.
Xây dựng nông thôn mới chú trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân, những thay đổi về tư duy, nếp sống của người dân và lấy cộng đồng thôn, bản làm đơn vị đánh giá.
Phát triển kinh tế nông thôn gắn với đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, cần khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao hoặc nông nghiệp hữu cơ. Cần liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Cần triển khai đô thị hóa nông thôn bền vững và tăng cường liên kết giữa nông thôn với đô thị. Đối với các khu vực ven các đô thị lớn, cần nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới văn minh, tại các vùng nông thôn ở vùng sâu, vùng xa,…cần hướng phát triển nông thôn mới theo tiêu chí đa dạng, phù hợp với điều kiện, tập quán của từng vùng miền khác nhau.
Tạo điều kiện tăng trưởng toàn diện, tăng thu nhập cũng như giải quyết tốt các vấn đề về an ninh dinh dưỡng và lương thực đối với nhóm dân nghèo và các vùng khó khăn. Phát huy lợi thế của nông nghiệp và tạo việc làm ổn định, bền vững cho cư dân nông thôn cũng như phát triển các làng nghề truyền thống.
Thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp ở nông thôn và đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa, doanh nhân hóa nông thôn để thu hút đầu tư doanh nghiệp và khởi nghiệp.
Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của gia đình, cộng đồng nông thôn, xây dựng cảnh quan nông thôn trên cơ sở nền tảng phát huy quan hệ làng xã. Lựa chọn và sử dụng các thiết chế văn hóa truyền thống và thiết chế văn hóa mới một cách hiệu quả.
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa không ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp hay môi trường sinh sống và kinh tế xã hội của cư dân nông thôn. Chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Quy hoạch cảnh nông thôn theo hướng xanh, sạch, đẹp và bền vững. Cần xây dựng cảnh quan nông thôn mới đáp ứng yêu cầu về sinh thái, vừa đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.
Cơ chế huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới cần tập trung tại các xã khó khăn, các xã chưa được công nhận đạt chuẩn. Cần huy động nguồn lực để phát huy lợi thế của các vùng sâu, vùng xa để bù đắp khó khăn, hạn chế đặc thù.
Xây dựng nông thôn mới là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cần được quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa. Việc xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực nông thôn từ đó cải thiện cuộc sống từ đó tạo sự phát triển đồng bộ cho xã hội. Trên đây, Luận Văn 2S đã cùng bạn đọc tìm hiểu các nội dung xoay quanh khái niệm "nông thôn mới là gì", chúng tôi hy vọng những chia sẻ trong bài viết đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Đừng quên chia sẻ đến bạn bè nếu bạn cũng thấy bài viết này hữu ích nhé!
Hà Nội: Tòa nhà Detech Tower - Số 8 Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đà Nẵng: Toà nhà Thành Lợi 2 - Số 3 Lê Đình Lý, Thạc Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng.
Hồ Chí Minh: Tòa nhà Hải Hà - 217 Đường Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh.
Cần Thơ: Ba Tháng Hai, Xuân Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ.
Hotline: 0976 632 554
Email: 2sluanvan@gmail.com