Phát triển kinh tế luôn là vấn đề trọng tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Sự bùng nổ về kinh tế mang lại rất nhiều lợi ích nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái môi trường hay biến đổi khí hậu. Theo đó, vấn đề tăng trưởng xanh từ khi ra đời đã được nhiều quốc gia quan tâm và ứng dụng. Vậy, tăng trưởng xanh là gì? Bài viết dưới đây của Luận Văn 2S sẽ giải đáp thắc mắc của bạn.
Tăng trưởng xanh (Tiếng Anh: Green Growth) là sự thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế sang nền kinh tế bền vững nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thông qua việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Tăng trưởng xanh là một nội dung trong Chiến lược phát triển bền vững. Các tổ chức và quốc gia trên Thế giới đã đưa ra các định nghĩa khác nhau về tăng trưởng xanh như sau:
Theo Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP): Tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững để đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống con người phụ thuộc vào, cho thế hệ này và thế hệ tương lai.
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD: Tăng trưởng xanh là việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế song song với việc đảm bảo các nguồn tài sản tự nhiên vẫn có thể tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống con người. Như vậy, tăng trưởng xanh chính là là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho tăng trưởng bền vững và góp phần tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
Theo định nghĩa tại Việt Nam, tăng trưởng xanh đề cập đến sự tăng trưởng dựa vào quá trình thay đổi mô hình, tái cơ cấu nền kinh tế để tận dụng các lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, giảm phát khí thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Khái niệm tăng trưởng xanh là gì?
Bản chất của tăng trưởng xanh là mối quan hệ hai chiều giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường, theo đó:
Chiều thứ 1: Tăng trưởng kinh tế mà không gây suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu bằng việc sử dụng tối đa hóa hiệu quả của tài nguyên thiên nhiên mà đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường bằng việc ứng dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn, tái chế tái sử dụng có hiệu quả. Thực ra, ô nhiễm môi trường không tự động giảm khi kinh tế phát triển nhưng nó có thể giảm nếu con người sử dụng ý chí của mình cùng với việc thực hiện các chương trình hành động cụ thể, đặc biệt là ý chí của Chính phủ thông qua nỗ lực đáp ứng yêu cầu của từng nước.
Chiều thứ 2: Tăng trưởng về môi trường tạo động cơ và nền tảng để tăng trưởng kinh tế, tức là chúng ta không chỉ quan tâm đến bảo vệ môi trường mà còn cần tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Lúc này, kinh tế phát triển sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xanh hay công nghiệp xanh là những động cơ tăng trưởng mới. Đây là điểm mấu chốt cho tăng trưởng xanh vì những hiệu quả về sinh thái mà nó mang lại trong sản xuất sản phẩm, tiêu thụ năng lượng, giảm thiểu chất thải trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ nhất, tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững, sự phát triển ấy có thể đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng hay tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Thứ hai, tăng trưởng xanh góp phần xóa đói giảm nghèo mà không phải trả giá đắt cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, nước,…quá mức. Hạn chế được sự suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái, giúp kinh tế nông- lâm- ngư nghiệp phát triển ổn định.
Thứ ba, tăng trưởng xanh tạo ra nhiều việc làm mới có tiềm năng. Đó là các việc làm có năng suất lao động cao cùng với hiệu quả về cải thiện môi trường sinh thái và ổn định lượng khí thải ra môi trường thấp,..
Thứ tư, thông qua thúc đẩy đầu tư vào lâm nghiệp xanh, các chương trình kinh tế xanh và tăng trưởng xanh sẽ góp phần ổn định đời sống của rất nhiều người sinh sống bằng các sản phẩm từ gỗ và chất xơ.
Thứ năm, tăng trưởng xanh giúp các quốc gia đang phát triển đạt được các lợi ích về kinh tế và xã hội theo nhiều mặt như phát triển năng lượng sạch, bền vững, bảo đảm an ninh lương thực thông qua sử dụng các biện pháp nông nghiệp bền vững và nhờ các hàng hóa, dịch vụ “xanh”, đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia, hạn chế ảnh hưởng môi trường,…
Vai trò của tăng trưởng xanh là gì?
Xem thêm:
→ 1001 Đề tài Luận văn Thạc sĩ lĩnh vực Quản lý kinh tế 2021
Theo UNESCAP, các nước muốn duy trì tăng trưởng xanh đồng thời giảm các tác động của môi trường sẽ phải trải qua sự biến đổi về hệ thống kinh tế để đạt được hiệu quả về tài nguyên. Lộ trình này bao gồm các điểm sau:
Cải thiện chất lượng tăng trưởng và tối đa hóa tăng trưởng ròng theo định kỳ.
Thay đổi cấu trúc vô hình của nền kinh tế, xóa bỏ khoảng cách giữa hiệu quả kinh tế và sinh thái.
Thay đổi cấu trúc rõ ràng của nền kinh tế: các kế hoạch và thiết kế cơ sở hạ tầng phải theo hướng hiệu quả về sinh thái.
Biến mô hình xanh thành một cơ hội kinh doanh mới cần đầu tư phát triển.
Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển ít các bon, bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, chương trình tăng trưởng xanh được cụ thế hóa bằng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Để đảm bảo phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, chính phủ đã xác định cần đẩy mạnh áp dụng sản xuất sạch, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh,…
Trong chiến lược nói trên, có hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng, gồm:
Thứ nhất, áp dụng xanh hóa sản xuất, thực hiện chiến lược công nghiệp hóa sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích phát triển công nghệ xanh và nông nghiệp xanh.
Thứ hai, thực hiện xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.
Thực trạng tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Thứ nhất, một số bộ, ban ngành và chính quyền địa phương nhận thức chưa rõ ràng về chiến lược tăng trưởng xanh. Đến cuối năm 2008 mới chỉ có 7 bộ ngành và 34 tỉnh thành ban hành việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
Thứ hai, việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của các bộ, ngành và địa phương đang dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, chưa thực sự xuất phát từ năng lực nội sinh,…
Thứ ba, hiện nay vẫn tồn tại sự xung đột và trùng lặp về mục tiêu giữa các chiến lược như chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh,….
Thứ tư, nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh chưa rõ ràng, đặc biệt trong tình trạng suy giảm kinh tế và cắt giảm đầu tư công,…
Thứ năm, vẫn còn nhiều địa phương đang đối mặt với các thách thức do thiếu các nhóm giải pháp cụ thể và khả thi với hoàn cảnh cụ thể của địa phương.
Thứ nhất, cần hoàn thiện khung chính sách về kế hoạch và đầu tư. Tức là cần sớm hoàn thiện bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh cấp quốc gia và bổ sung một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội.
Thứ hai, cần hoàn thiện khung chính sách tăng trưởng xanh và khung chính sách tài chính liên quan đến thúc đẩy hoàn thiện chiến lược tăng trưởng xanh,…
Thứ ba, nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật xanh. Các ngành và địa phương cần tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể cho các hoạt động tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện. Tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo.
Giải pháp để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Việt Nam đã ban hành bộ chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong hầu hết các lĩnh vực, chúng ta cùng tìm hiểu qua bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Sản phẩm chất lượng cao: các sản phẩm doanh nghiệp đạt giải chất lượng quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận. Sản phẩm có chứng nhận là hàng chất lượng cao của cơ quan chức năng thuộc các Bộ, Ngành cấp. Ví dụ: Chứng nhận chất lượng cao của hàng nông, lâm, thủy sản của Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp.
Sử dụng vật liệu mới: sản xuất các sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm mục tiêu của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 :”Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới” do Bộ khoa học và Công nghệ ban hành. Ví dụ: Các dự án sản xuất linh kiện, thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng dành riêng cho các lĩnh vực có thể tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
Sử dụng năng lượng mới: Năng lượng mới, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, thủy triều, sóng biển, mặt trời. Ví dụ: sản xuất linh kiện, thiết bị phục vụ chuyển năng lượng mặt trời thành nhiệt năng và điện năng, phát triển các thiết bị sử dụng năng lượng năng trời để cung cấp cho các hộ gia đình,…
Đổi mới trang thiết bị kỹ thuật làm tăng năng suất lao động: Có thuyết minh/ chứng nhận việc đổi mới trang thiết bị kỹ thuật làm tăng năng suất lao động. Ví dụ: Mô hình Multilateral Development Banks- Công nghệ chế biến chế tạo nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, thương mại và nhà ở hiện có để tăng năng suất năng lượng.
Chế tạo sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao: Được cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích do Cục Sở Hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ cấp hoặc có bằng sáng chế do các cơ quan có thẩm quyền tại các nước trên thế giới cấp trong 5 năm gần nhất; Có thuyết minh, căn cứ chứng minh công nghệ tiên tiến lần đầu tiên được chuyển giao vào Việt Nam; Công nghệ thuộc danh mục công nghệ cao được khuyến khích đầu tư phát triển do Thủ tướng chính phủ phê duyệt từng thời kỳ; Có chứng nhận công nghệ cao do Văn phòng Chứng nhận hoạt động công nghệ cao thuộc Bộ khoa học và công nghệ cấp; Có chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao do các cơ qua chức năng thuộc các Bộ, ngành cấp.Ví dụ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ nông nghiệp cấp.
Nhóm tiêu chí về tính đổi mới
Sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường hoặc sản phẩm sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Sản phẩm có nhãn năng lượng xác nhận hoặc nhãn năng lượng so sánh (5 sao) do bộ công thương cấp; Có thuyết minh/ chứng nhận sản phẩm có mức hiệu suất năng lượng cao hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Hoạt động sản xuất tiêu hao ít năng lượng, chất thải thấp, đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và có giải pháp bảo vệ môi trường bền vững: Đối với các sản phẩm đã lưu thông trên thị trường, sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái do tổng cục môi trường chứng nhận; Các sản phẩm mới chưa lưu thông trên thị trường cần có thuyết minh, chứng nhận đáp ứng các tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam theo quy định của Bộ Tài nguyên môi trường và cam kết trong 12 tháng kể từ ngày dự án chính thức đi vào hoạt động phải được cấp chứng nhận nhãn sinh thái; Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái và được chứng nhận.
Dự án, phương án sản xuất hoặc sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo: Dự án sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao; Dự án sản xuất hoặc sử dụng năng lượng tái tạo năng lượng sạch bao gồm năng lượng gió, thủy triều, mặt trời,…
Hoạt động sản xuất tiêu hao ít năng lượng, phát thải thấp, đáp ứng quy định của pháp luật vệ môi trường và có giải pháp bảo vệ môi trường bền vững: Có thuyết minh/ chứng nhận hoạt động sản xuất tiêu hao ít năng lượng, phát thải thấp đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và có giải pháp bảo vệ môi trường bền vững. Ví dụ: các dự án về công nghệ thu thập và lưu trữ các bon ngăn ngừa sự phóng thích một lượng lớn các bon vào khí quyển từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và quá trình phát thải.
Nhóm tiêu chí môi trường
Năng lực, kinh nghiệm quản trị điều hành của người quản lý doanh nghiệp: Có ít nhất một thành viên của ban giám đốc có 03 năm kinh nghiệm làm việc trở lên trong lĩnh vực có liên quan đến dự án đề xuất hoặc 03 năm kinh nghiệm trở lên về quản lý doanh nghiệp.
Lịch sử uy tín tín dụng của doanh nghiệp: Tức là doanh nghiệp không có nợ nhóm 2 trở lên trong 12 tháng gần nhất tính tới thời điểm xét duyệt hồ sơ và không có nợ nhóm 3 trở lên trong 36 tháng gần nhất tính tới thời điểm xét duyệt hồ sơ.
Sản xuất kinh doanh tạo nhiều việc làm mới: Căn cứ thuyết minh, chi phí và tính hợp lý của dự án; Số lượng việc làm là số lao động bình quân năm mà dự án sẽ tạo ra được tính bằng số bình quan của số lao động ghi trên bảng thanh toán tiền lương, tiền công hàng tháng của doanh nghiệp.
Sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động nữ: Căn cứ vào thuyết minh và cam kết của chủ doanh nghiệp; Doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, đạt trên 51% tỷ lệ lao động là nữ nhằm mục đích chống phân biệt đối xử và bình đẳng giới khi tuyển dụng lao động.
Trên đây là toàn bộ những nội dung kiến thức liên quan đến khái niệm tăng trưởng xanh là gì cũng như thực trạng & giải pháp phát triển chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Đừng quên chia sẻ đến mọi người hơn nhé!
Hà Nội: Tòa nhà Detech Tower - Số 8 Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đà Nẵng: Toà nhà Thành Lợi 2 - Số 3 Lê Đình Lý, Thạc Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng.
Hồ Chí Minh: Tòa nhà Hải Hà - 217 Đường Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh.
Cần Thơ: Ba Tháng Hai, Xuân Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ.
Hotline: 0976 632 554
Email: 2sluanvan@gmail.com