Vốn bằng tiền và các khoản phải thu đều nằm trong danh mục tài sản của doanh nghiệp, có vai trò phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến cơ sở lý luận chung về kế toán vốn bằng tiền và các khoản phải thu trong doanh nghiệp, mời bạn đọc tham khảo!
Tổng quan về kế toán vốn bằng tiền
Vốn bằng tiền là gì?
Trong doanh nghiệp, vốn bằng tiền là một phần của tài sản lưu động tồn tại trực tiếp dưới dạng tiền tệ, bao gồm: Tiền mặt tại quỹ (TK 111); Tiền gửi ngân hàng (TK 112) và Tiền đang chuyển (TK 113). Vốn bằng tiền có tính thanh khoản cao nhất, dùng để đáp ứng các nhu cầu thanh toán (mua sắm, chi tiêu) của doanh nghiệp. Vốn bằng tiền được phân chia thành:
Kế toán vốn bằng tiền là gì?
- Tiền Việt Nam: Là loại tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành dưới dạng giấy bạc và đồng xu. Tiền Việt Nam được sử dụng làm phương tiện giao dịch chính thức đối với toàn bộ các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong doanh nghiệp.
- Ngoại tệ: Là loại tiền tệ không do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Tuy nhiên nó vẫn có khả năng lưu hành trên thị trường Việt Nam. Kể đến như: yên Nhật, Đô la Mỹ, đồng tiền chung Châu Âu…
- Vàng bạc, đá quý: Thông thường được sử dụng với chức năng cất trữ an toàn.
Đặc điểm của vốn bằng tiền
- Vốn bằng tiền cần được trình bày đầu tiên trên bảng cân đối kế toán và được liệt vào mục quan trọng trong Tài sản ngắn hạn, được dùng để phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Vì thế mục này có thể bị cố tình trình bày sai lệch.
- Vốn bằng tiền bị ảnh hưởng lẫn có ảnh hưởng đến nhiều khoản mục quan trọng khác trong bảng cân đối kế toán, như: thu nhập, chi phí, công nợ và hầu hết các tài sản khác của doanh nghiệp.
- Số phát sinh của tài khoản vốn bằng tiền thường lớn hơn số phát sinh của các loại tài sản khác, vì vậy cần có một hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu để tránh xảy ra tình trạng sai phạm.
- Vốn bằng tiền có tính luân chuyển cao, vì vậy nó chính là đối tượng của sự gian lận và biển thủ công quỹ.
Vai trò của kế toán vốn bằng tiền
Trong doanh nghiệp, vốn bằng tiền có khả năng phát sinh rủi ro cao hơn rất nhiều các loại tài sản thông thường khác. Chính vì vậy, việc tổ chức kế toán vốn bằng tiền là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong công tác kế toán. Kế toán vốn bằng tiền cung cấp những thông tin cần thiết một cách chính xác và kịp thời về các hoạt động kinh tế tài chính của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ có những quyết định, điều chỉnh phù hợp sao cho tiết kiệm chi phí, hiệu quả cao.
Bên cạnh công tác tổ chức kế toán, quản lý vốn bằng tiền cũng là việc mà doanh nghiệp cũng cần chú trọng thực hiện bởi nó là khâu quan trọng, quyết định tới sự tăng trưởng hay suy thoái của doanh nghiệp.
Nhiệm vụ của kế toán vốn bằng tiền
Trong doanh nghiệp, kế toán vốn bằng tiền cần thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:
- Kế toán vốn bằng tiền phản ánh kịp thời tình hình thực tiễn của từng loại vốn bằng tiền hiện đang còn lại trong doanh nghiệp, theo dõi kiểm tra các khoản thu - chi. Đồng thời quản lý nghiêm ngặt các loại vốn bằng tiền nhằm phát hiện và kịp thời ngăn ngừa và xử lý những bất thường trong hoạt động vốn bằng tiền như: tham ô, lợi dụng tiền mặt trong kinh doanh…; giữ cho tiền tệ trong doanh nghiệp luôn trong trạng thái “an toàn”.
- Giám đốc việc thực hiện chế độ quản lý tiền mặt đảm bảo chi tiêu tiết kiệm và có hiệu quả cao.
- Thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu số liệu kế toán vốn bằng tiền với sổ quỹ do thủ quỹ ghi chép và sổ phụ ngân hàng nhằm kịp thời phát hiện sự chênh lệch của vốn bằng tiền của doanh nghiệp.
Bài viết cùng chuyên mục:
⟶ Cơ sở lý luận về kế toán bán hàng và xác định kết quả kinh doanh
⟶ Kho đề tài luận văn thạc sĩ kế toán tiêu biểu nhất 2020
Tổng quan về kế toán các khoản phải thu
Khoản phải thu là gì?
Về định nghĩa, khoản phải thu có thể được hiểu đơn giản là toàn bộ các quyền lợi của doanh nghiệp về một khoản tiền, dịch vụ, hàng hóa… hiện đang bị chiếm dụng bởi các đơn vị tổ chức kinh tế, cá nhân khác mà doanh nghiệp sẽ thu về trong tương lai. Khoản phải thu trong doanh nghiệp bao gồm:
Kế toán khoản phải thu là gì?
- Các khoản phải thu của khách hàng: Cá nhân hoặc doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vì đã mua hàng hóa (sản phẩm hoặc dịch vụ) của doanh nghiệp mà chưa thanh toán. Các khoản phải thu thường tồn tại dưới dạng tín dụng trong thời gian ngắn, từ vài ngày đến dưới 1 năm, vì vậy công ty cần ghi nhận các khoản phải thu vào bảng cân đối kế toán dưới dạng tài sản. Tài khoản 131 - Phải thu của khách hàng dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu cho doanh nghiệp. Tài khoản 131 có thể có số dư bên Có - phản ánh số tiền nhận trước hoặc số đã thu nhiều hơn số phải thu của khách hàng. Khi lập bảng cân đối kế toán cần phải lấy số dư chi tiết theo từng đối tượng để ghi vào cả 2 bên Tài sản và Nguồn vốn.
- Các khoản phải thu nội bộ: là các khoản phải thu phát sinh trong quan hệ thương mại, tài chính giữa doanh nghiệp với đơn vị cấp dưới hoặc giữa các đơn vị cấp dưới trực thuộc doanh nghiệp độc lập. Để phản ánh các khoản nợ phải thu nội bộ, kế toán sử dụng tài khoản 136 - Phải thu nội bộ.
- Các khoản phải thu khác: Là các khoản phải thu ngoài các khoản phải thu của khách hàng và khoản phải thu nội bộ. Trong kế toán sử dụng tài khoản 138 - Phải thu khác để phản ánh các khoản nợ phải thu khác.
Đặc điểm của các khoản phải thu
- Khoản phải thu là tài sản khá nhạy cảm đối với việc gian lận như việc bị nhân viên chiếm đoạt hoặc tham ô.
- Các khoản phải thu có mối liên hệ mật thiết đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy nó là đối tượng dùng để thổi phồng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Nợ phải thu khách hàng được trình bày theo giá trị thuần có thể thực hiện được. Tuy nhiên việc lập khoản phải thu khó đòi phải dựa vào ước tính của nhà quản lý nên dễ xảy ra sai sót và khó kiểm tra chặt chẽ được.
- Các khoản nợ của khách hàng sẽ trở nên khó thu hồi nếu doanh nghiệp không có hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu đối với chu trình bán hàng. Điều này có thể phản ánh sai tình hình tài chính của doanh nghiệp trên báo cáo tài chính.
Nhiệm vụ của kế toán các khoản phải thu
- Phải nắm bắt, theo sát tình hình phải thu, chính sách bán chịu, thanh toán quốc tế. Tiến hành lập báo cáo khoản phải thu định kỳ và cuối kỳ thực hiện đối chiếu công nợ cuối kỳ.
- Kế toán khoản phải thu phải theo dõi và phản ánh kịp thời công nợ phát sinh theo từng đối tượng, khoản nợ, và hạn nợ. Thực hiện việc giám sát chế độ thanh toán công nợ.
- Ghi chép kịp thời trên hệ thống chứng từ, các sổ chi tiết, sổ tổng hợp của phần hành các khoản phải thu.
- Tổng hợp và xử lý các khoản nợ trong hạn, đến hạn, quá hạn và các khoản nợ khó đòi để có biện pháp xử lý nhằm nâng cao, cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Nguyên tắc của kế toán vốn bằng tiền và các khoản phải thu
Nguyên tắc của kế toán vốn bằng tiền
- Khi thu phải có phiếu thu, khi chi phải có phiếu chi và phải có đủ chữ ký theo quy định của chứng từ kế toán.
- Phải ghi chép hàng ngày theo trình tự phát sinh để tiện cho việc kiểm tra, đối chiếu.
- Các khoản tiền do cá nhân và doanh nghiệp khác ký cược, ký quỹ tại doanh nghiệp được quản lý và hạch toán như là tiền của doanh nghiệp.
- Phải sử dụng tiền tệ thống nhất là Đồng Việt Nam (VND), các nghiệp vụ kinh tế phát sinh ngoại tệ cũng cần đổi ra đồng theo nguyên tắc:
- Bên Nợ: theo tỷ giá giao dịch thực tế.
- Bên Có: theo tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền.
Nguyên tắc của kế toán các khoản phải thu
- Các khoản nợ phải thu phải được hạch toán chi tiết theo từng đối tượng phải thu, theo từng khoản nợ và từng lần thanh toán nợ. Kế toán có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra chặt chẽ từng khoản nợ phải thu và đôn đốc thu hồi nợ để tránh xảy ra tình trạng chiếm đoạt hoặc dây dưa nợ nần.
- Cuối tháng hoặc theo định kỳ cần kiểm tra, đối chiếu từng khoản nợ đã phát sinh, đã thu hồi và số nợ còn lại đối với những khách hàng có giao dịch thường xuyên hoặc có số dư nợ lớn.
- Các khách hàng thanh toán khoản nợ phải thu bằng hàng hóa hoặc bù trừ giữa khoản nợ phải trả và nợ phải thu mà không thanh toán bằng tiền mặt, séc,... cần có đầy đủ các chứng từ và giấy tờ hợp lệ liên quan.
- Đối với các khoản phải thu gốc là ngoại tệ cần đổi ra Đồng Việt Nam. Cuối mỗi kỳ phải điều chỉnh lại số dư nợ.
- Các khoản phải thu chủ yếu có số dư bên nợ, nhưng trong quan hệ đối với từng đối tượng phải thu có thể xuất hiện số dư bên có trong trường hợp nhận tiền trước, ứng trước, trả trước của khách hàng. Khi lập báo cáo tài chính và khi tính toán các chỉ tiêu phải thu, phải trả cuối kỳ kế toán cho phép lấy số dư chi tiết các khoản nợ phải thu để lên hai chỉ tiêu bên “Tài sản” và bên “Nguồn vốn” của bảng cân đối kế toán.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn sẽ có một cái nhìn tổng quan về kế toán vốn bằng tiền và các khoản phải thu của doanh nghiệp cũng như nắm rõ được các nguyên tắc hạch toán các tài khoản liên quan đến hai nghiệp vụ kinh tế phát sinh này và áp dụng nó thật tốt trong học tập, viết luận văn cũng như trong công việc sau này nhé. Đừng quên liên hệ với DỊCH VỤ LÀM THUÊ LUẬN VĂN nếu bạn đang gặp khó khăn với bài luận của mình. Chúc bạn thành công!