Trong lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội, kinh tế hàng hóa đã xuất hiện mầm mống từ xã hội nô lệ, hình thành trong xã hội phong kiến và phát triển mạnh mẽ trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Sản xuất hàng hóa và trao đổi hàng hóa chính là tiền đề quan trọng cho sự ra đời và phát triển của kinh tế thị trường. Để hiểu rõ hơn về khái niệm nền kinh tế thị trường là gì? Các đặc trưng và ưu nhược điểm của nền kinh tế này, chúng ta hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây cùng Luận Văn 2S nhé.
Lịch sự phát triển nền sản xuất xã hội đã chỉ ra rằng, sản xuất và trao đổi hàng hóa là những tiền đề quan trọng cho sự ra đời và phát triển kinh tế thị trường (KTTT). Trong quá trình sản xuất và trao đổi, các nhân tố của thị trường như cung, cầu, giá cả,… sẽ tác động theo cách điều tiết và hướng dẫn tới quá trình sản xuất hàng hóa giúp cho việc luân chuyển, phân bố các nguồn lực sản xuất, tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho sản xuất lưu thông. Thị trường ở đây giữ vai trò là công cụ phân bổ nguồn lực, khi các nguồn lực và sản phẩm làm ra trong nền kinh tế được phân bổ bằng phương thức thị trường thì người ta gọi là nền kinh tế thị trường.
Theo cuốn Đại từ điển kinh tế thị trường, thì khái niệm kinh tế thị trường là phương thức vận hành kinh tế thị trường hình thành bởi trao đổi và lưu thông hàng hóa làm người phân bố tài nguyên chủ yếu, lấy lợi ích vật chất cung - cầu thị trường và mua bán giữa hai bên làm cơ chế khuyến khích hoạt động kinh tế và phương thức vận hành kinh tế.
Nền kinh tế thị trường là gì?
Theo chiều dài lịch sử, nền kinh tế thị trường hình thành và phát triển đã trải qua ba bước chuyển biến, bao gồm:
Bước chuyển biến thứ nhất: Là chuyển đổi từ mô hình kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc lên mô hình kinh tế hàng hóa ở nấc thang thấp nhất là kinh tế hàng hóa giản đơn.
Bước chuyển biến thứ hai: Từ mô hình kinh tế hàng hóa đơn giản lên mô hình kinh tế thị trường tự do. Tức là nền kinh tế mà thị trường tự do phát triển, điều tiết kinh tế, mọi vấn đề của nền kinh tế đặt ra đều do thị trường điều chỉnh và quyết định.
Bước chuyển biến thứ ba: Từ mô hình kinh tế thị trường tự do lên mô hình kinh tế thị trường hỗn hợp. Nghĩa là nền kinh tế được điều chỉnh bởi cả hai lực lượng chính phủ và thị trường.
Ba bước chuyển nói trên chịu sự chi phối bởi tiến trình kinh tế khách quan nhất định, cụ thể như sau:
Thứ nhất, trên cơ sở phân công lao động xã hội và trao đổi thông qua quan hệ hàng hóa- tiền tệ và thị trường, phá vỡ kinh tế kết cấu tự nhiên,tự cấp, tự túc, thực hiện tự do cạnh tranh và tự do kinh doanh, tự chủ. Tiến trình này gắn với bước chuyển biến thứ nhất từ kinh tế tự nhiên, tự cấp và tự túc lên kinh tế hàng hóa giản đơn.
Thứ hai, lấy sự phân công lao động bằng máy móc làm cơ sở kỹ thuật thông qua công nghiệp hóa để thúc đẩy quá trình chuyển hóa các yếu tố gắn với đầu vào của sản xuất. Đây là quá trình chuyển từ cơ cấu kinh tế nông- công nghiệp sang cơ cấu nông-công nghiệp- dịch vụ. Tiến trình này gắn với bước chuyển biến thứ hai lên kinh tế thị trường tự do.
Thứ ba, tiến trình mở cửa thế giới với thế giới bên ngoài, là tiến trình chuyển từ kỹ thuật cơ điện sang kỹ thuật điện tử tin học văn minh hậu công nghiệp, từ kinh tế công-nông nghiệp- dịch vụ sang cơ cấu kinh tế công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp. Thị trường không chỉ trong nước mà còn mở cửa với bên ngoài. Tiến trình này gắn với bước chuyển thứ ba từ kinh tế thị trường tự do lên nền kinh tế thị trường hỗn hợp.
Bạn đọc có thể quan tâm:
→ Sản xuất hàng hóa là gì? Điều kiện ra đời và ưu thế của sản xuất hàng hóa
Về mặt bản chất, nền kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế xã hội phát triển ở trình độ cao. Kinh tế thị trường được phân biệt với các kiểu tổ chức kinh tế xã hội khác như kinh tế tự cấp tự túc, kinh tế hàng hóa giản đơn hay kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp. Sự khác biệt đó được thể hiện ở 06 đặc trưng cơ bản như sau:
Thứ nhất, kinh tế thị trường đòi hỏi sự đa dạng của các chủ thể kinh tế, nhiều hình thức sở hữu. Các chủ thể kinh tế bình đẳng trước pháp luật.
Chúng ta thấy rằng, trong nền kinh tế thị trường luôn tồn tại đa dạng các chủ thể kinh tế như: Nhà nước, tập thể, tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh liên kết,...
Ví dụ: Trong lĩnh vực Ngân hàng, có các:
Sự đa dạng của các chủ thể kinh tế này là tất yếu trong nền kinh tế thị trường, xây dựng nên môi trường cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế vận động và phát triển. Đồng thời, sự đa dạng của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường chính là biểu hiện của nhiều hình thức sở hữu (sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu 100% vốn nước ngoài…). Dù đa dạng các chủ thể kinh tế nhưng trong nền kinh tế thị trường thì các chủ thể kinh tế này đều phải bình đẳng trước pháp luật cũng như sự tác động khách quan của quy luật thị trường.
Thứ hai, thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực xã hội thông qua hoạt động của các thị trường bộ phận.
Một cách dễ hiểu nhất, chúng ta có thể hình dung thị trường giống như một bức tranh tổng thể, bao gồm nhiều mảnh ghép kết hợp lại. Các mảnh ghép đó chính là các thị trường bộ phận, ví dụ như thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường sức lao động, thị trường khoa học công nghệ, thị trường bất động sản…
Các loại thị trường này không tồn tại độc lập, mà có mối quan hệ, tác động qua lại với nhau. Các yếu tố thị trường sẽ quyết định việc phân bổ các nguồn lực xã hội thông qua các thị trường bộ phận đó.
Ví dụ: Nguồn lực vốn:
Trong bối cảnh Toàn cầu đang phải đối mặt với đại dịch Covid 19, nền kinh tế toàn cầu trở nên khó khăn hơn, thị trường lao động khủng hoảng, số lượng người thất nghiệp nhiều, thị trường hàng hóa và dịch vụ đình trệ, sức mua giảm. Tất cả các yếu tố này dẫn đến suy thoái thị trường, chủ đầu tư sẽ có xu hướng dịch chuyển nguồn lực vốn đầu tư sang các khu vực, các nước an toàn hơn. Còn đối với trong nước, các nhà đầu tư có thể chuyển dịch vốn đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường bất động sản sang thị trường vàng hoặc thị trường hàng hóa vì lo sợ lạm phát, suy thoái kinh tế.
Thứ ba, giá cả được hình thành theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh vừa là môi trường, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển.
Trong nền kinh tế thị trường, các quy luật thị trường đóng vai trò quan trọng, chi phối các hoạt động sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu dùng. Điển hình là các quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh và quy luật cung cầu. Chính các quy luật này đã giúp cho hình thành mức giá cả thị trường, đồng thời là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường phát triển.
Thứ tư, động lực trực tiếp của các chủ thể sản xuất kinh doanh là lợi ích kinh tế - xã hội.
Các chủ thể kinh tế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh suy cho cùng động lực chính vẫn là vì lợi ích kinh tế - xã hội. Chủ thể là doanh nghiệp tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể phải đặt mục tiêu lợi nhuận, mục tiêu kinh tế để duy trì và phát triển. Đối với các chủ thể là nhà nước khi tham gia thị trường, có thể vì lợi ích kinh tế song đồng thời cũng phải vừa đảm bảo lợi ích xã hội.
Ví dụ: Các dự án công như điện, đường, trường học… Nhà nước cần phải hướng tới mục tiêu kinh tế nhưng đồng thời cũng phải cân đối phù hợp với thu nhập của mọi thành phần nhân dân.
Thứ năm, Nhà nước là chủ thể thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các quan hệ kinh tế, Nhà nước thực hiện khắc phục những khuyết tật thị trường, thúc đẩy các yếu tố tích cực, đảm bảo sự bình đẳng xã hội và sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế.
Đặc trưng này nhấn mạnh vai trò quản lý điều tiết của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường. Hiện nay, hầu hết tất cả các quốc gia đều sử dụng mô hình nền kinh tế thị trường hỗn hợp, tức là nền kinh tế vừa vận động theo cơ chế thị trường. Có nghĩa là nền kinh tế vừa vận động theo cơ chế thị trường vừa có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, để thúc đẩy nền kinh tế ổn định và giảm nguy cơ khủng hoảng kinh tế, do kinh tế thị trường gây ra.
Thứ sáu, kinh tế thị trường là nền kinh tế mở, thị trường trong nước gắn liền với thị trường quốc tế.
Như đã đề cập ở các phần trước, chúng ta đều hiểu bản chất của nền kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hóa phát triển ở trình độ cao.
Việc mở rộng phạm vi và quy mô của quá trình sản xuất, trao đổi hàng hóa sẽ tạo điều kiện cho kinh tế thị trường phát triển. Do đó, xu hướng chung, tất yếu của tất cả các nền kinh tế thị trường trên thế giới là mở cửa kinh tế. Việc mở cửa kinh tế sẽ tạo ra cho những cơ hội mới cho các quốc gia về khai thác thị trường, và tranh thủ nguồn lực quốc tế.
Nền kinh tế thị trường là điều kiện để thúc đẩy sản xuất: Trong nền kinh tế thị trường, nếu lượng cầu cao hơn cung thì giá cả hàng hóa sẽ tăng lên kéo theo lợi nhuận tăng. Từ đó khuyến khích người sản xuất tăng lượng cung, ai có cơ chế sản xuất hiệu quả sẽ thu được lợi nhuận cao hơn. Điều này cho phép tăng quy mô sản xuất và các nguồn lực sản xuất sẽ chảy về phía những người sản xuất hiệu quả hơn.
Có một lực lượng sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng: Nền kinh tế thị trường tạo ra nhiều sản phẩm giúp thỏa mãn tối đa nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm, dịch vụ công cộng, nhà ở,…
Tạo động lực để con người sáng tạo: Nền kinh tế thị trường cho phép con người tự do cạnh tranh nên đòi hỏi mọi người phải không ngừng sáng tạo để tồn tại. Chúng ta cần tìm ra những phương thức mới để cải tiến công việc, kinh nghiệm và đây cũng là nơi để phát hiện, tuyển chọn và đào tạo con người.
Tạo việc làm nhiều hơn: Trong nền kinh tế thị trường, sự tập trung đổi mới cho phép các doanh nghiệp tìm ra các thị trường ngách và cung cấp nhiều công việc mới với mức lương cao tại các địa phương.
Sự bất bình đẳng trong xã hội: Sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo sẽ dẫn tới bất bình đẳng trong xã hội, người giàu sẽ sử dụng lợi thế của mình để giàu hơn trong khi người nghèo lại càng nghèo hơn. Trong cạnh tranh, các nhà sản xuất nhỏ lẻ sẽ bị các nhà sản xuất lớn mạnh thôn tính và nền kinh tế dần trở thành độc quyền chi phối.
Dễ gây ra mất cân bằng cung - cầu gây nên khủng hoảng kinh tế: Do chạy theo lợi nhuận nên các doanh nghiệp sẽ đầu tư mở rộng sản xuất, các công ty đầu tư phát triển khiến nguồn cung tăng mạnh trong khi cầu tăng không tương xứng. Hiện tượng này tích lũy theo thời gian sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa khiến các doanh nghiệp đi vào phá sản và gây nên khủng hoảng kinh tế.
Trên đây, chúng tôi đã cùng bạn đọc tìm hiểu về khái niệm nền kinh tế thị trường là gì cũng như các vấn đề liên quan đến kiểu tổ chức kinh tế xã hội này. Hy vọng với những kiến thức đã sưu tầm trong bài viết này, bạn đọc sẽ áp dụng một cách hiệu quả vào trong công tác học tập, viết tiểu luận kinh tế chính trị Mác - Lênin nói riêng và trong cuộc sống nói chung.
Hà Nội: Tòa nhà Detech Tower - Số 8 Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đà Nẵng: Toà nhà Thành Lợi 2 - Số 3 Lê Đình Lý, Thạc Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng.
Hồ Chí Minh: Tòa nhà Hải Hà - 217 Đường Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh.
Cần Thơ: Ba Tháng Hai, Xuân Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ.
Hotline: 0976 632 554
Email: 2sluanvan@gmail.com