Thực tế đã chứng minh rằng, sau hơn 30 năm đổi mới của đất nước, bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế, nước ta cũng phải trả giá trước tình trạng suy đồi, xuống cấp về đạo đức. Những tệ nạn, cái ác, cái xấu đang có xu hướng lan rộng và biểu hiện ở nhiều mặt. Bên cạnh việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống vật chất cho người dân, chúng ta cũng cần quan tâm đảm bảo tương xứng những giá trị văn hóa tinh thần và đạo đức. Do đó, giáo dục đạo đức trở thành một nội dung quan trọng mà nhà trường và xã hội cần quan tâm. Vậy giáo dục đạo đức là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về đạo đức tùy theo các cách tiếp cận khác nhau. Dưới đây là một số cách tiếp cận:
Dưới góc độ Triết học, đạo đức được quan niệm là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội. Đạo đức bao gồm các nguyên lý, chuẩn mực, quy tắc điều tiết hành vi của con người trong quan hệ với mọi người xung quanh, với cộng đồng.
Dưới góc độ đạo đức học, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, nó bao gồm một hệ thống các quan niệm, quy tắc, nguyên tắc, quan điểm, chuẩn mực xã hội.
Dưới góc độ giáo dục học: Đạo đức thể hiện một hình thái ý thức xã hội đặc biệt bao gồm một hệ thống quan niệm về cái thực, cái có trong mối quan hệ của con người với con người.
Theo Từ điển Tiếng Việt: Đạo đức là các tiêu chuẩn, nguyên tắc quy định hành vi quan hệ của con người đối với nhau và với xã hội. Đạo đức là các phẩm chất tốt đẹp của con người theo những tiêu chuẩn đạo đức của một giai cấp nhất định.
Các thành tố cấu thành đạo đức bao gồm: Ý thức đạo đức, tình cảm, niềm tin đạo đức và hành vi đạo đức. Cụ thể:
Từ những quan niệm trên, chúng ta có thể hiểu khái quát khái niệm đạo đức bao gồm ba thành tố cơ bản là quy tắc, hành vi và chuẩn mực. Trong đó quy tắc là những quy định mọi người phải tuân theo trong một hoạt động chung nào đó. Hành vi là những phản ứng, cách cư xử, biểu hiện ra bên ngoài của con người trong một hoàn cảnh nhất định. Chuẩn mực là cái được công nhận đúng theo quy định hoặc theo thói quen trong xã hội. Từ đó cho thấy đạo đức theo nghĩa hẹp là những hệ thống các giá trị, nguyên tắc quy định những chuẩn mực của con người. Theo nghĩa rộng, đạo đức liên quan đến các vấn đề chính trị, pháp luật, lối sống.
Như vậy, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội. Dựa vào các nguyên tắc, quy định, chuẩn mực của xã hội nhằm định hướng, đánh giá, điều chỉnh hành vi của con người cho phù hợp với các chuẩn mực của xã hội, hướng con người đi tới cái thiện, cái tốt, cái đúng, gạt bỏ cái ác, cái xấu, cái sai. Nói cách khác, thông qua các giá trị đạo đức, con người sẽ tự giác điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của con người cũng như sự tiến bộ của xã hội trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với xã hội.
Khái niệm đạo đức là gì?
Theo Makarenko định nghĩa: Giáo dục đạo đức có nghĩa là rèn luyện những phẩm chất tốt cho học sinh ví dụ như tính trung thực, thật thà, thái độ tận tâm, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật,…Trên cơ sở đó uốn nắn những sai sót của chúng.
Tác giả Phan Thanh Long cho rằng: giáo dục đạo đức là những tác động sư phạm một cách có mục đích, có hệ thống và kế hoạch của nhà giáo dục tới người được giáo dục (học sinh) nhằm mục đích bồi dưỡng cho họ những phẩm chất đạo đức (chuẩn mực hành vi đạo đức) phù hợp với yêu cầu mà xã hội đặt ra.
Theo tác giả Nguyễn Hữu Hợp và Lưu Thu Thủy, giáo dục đạo đức cho học sinh là quá trình tác động bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm mục đích làm cho nhân cách của học sinh phát triển đúng về mặt đạo đức, từ đó giúp các em có hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ của các cá nhân với bản thân, với mọi người và xã hội. Kết quả của quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh là các em có những phẩm chất tốt đẹp, có bản lĩnh đạo đức và có cách ứng xử, hành vi chuẩn mực trong các mối quan hệ xã hội.
Có thể nói, giáo dục đạo đức gắn chặt với giáo dục tư tưởng - chính trị, giáo dục pháp luật, giáo dục trí tuệ, giáo dục thể chất, thẩm mỹ và lao động hướng nghiệp. Giáo dục đạo đức được thực hiện thông qua hai hoạt động chính, một là dạy cho học sinh những tri thức liên quan đến các chuẩn mực đạo đức xã hội, hai là tổ chức các hoạt động, chương trình giao lưu trên cơ sở đó đó hình thành hành vi và thói quen đạo đức cho học sinh.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), giáo dục đạo đức cho học sinh còn là quá trình hình thành và phát triển các phẩm chất đạo đức của của nhân cách học sinh dưới sự tác động và ảnh hưởng có mục đích của nội dung, phương pháp, hình thức và chương trình giáo dục phù hợp với lứa tuổi (độ tuổi mầm non, tiểu học, thcs, thpt…). Trên cơ sở đó giúp các em có những hành vi ứng xử đúng mực trong các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng - xã hội, giữa cá nhân với tự nhiên, với lao động. Bản chất của giáo dục đạo đức là một chuỗi các tác động có định hướng của chủ thể giáo dục và yếu tố tự giáo dục, giúp học sinh chuyển những nguyên tắc, chuẩn mực, quy tắc đạo đức từ bên ngoài xã hội vào bên trong cá nhân và trở thành bản chất của riêng mình mà mục tiêu cuối cùng là hành vi đạo đức phù hợp với những yêu cầu của các chuẩn mực xã hội. Điều quan trọng nhất, giáo dục đạo đức không chỉ dừng lại ở việc truyền tải những tri thức đạo đức mà kết quả giáo dục phải được thể hiện qua tình cảm, niềm tin, hành động thực tế của học sinh.
Giáo dục đạo đức là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự liên tục về thời gian, rộng khắp về không gian và từ mọi lực lượng xã hội, trong đó cùng với gia đình, nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh bao gồm tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, bên trong và bên ngoài.
Như vậy, giáo dục đạo đức là quá trình tác động có chủ đích, có kế hoạch, có tổ chức của nhà giáo dục và yếu tố tự giáo dục của người học nhằm mục đích thực hiện mục tiêu giáo dục về ý thức đạo đức, tình cảm đạo đức và hành vi đạo đức của nhà giáo dục tới người được giáo dục (học sinh). Qua đó trạng bị, bồi dưỡng cho học sinh những tri thức, ý thức đạo đức, niềm tin, tình cảm đạo đức và quan trọng nhất là hình thành ở học sinh phẩm chất, hành vi, thói quen đạo đức phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Từ đó chuyển hóa những chuẩn mực của xã hội thành những hành vi của con người phù hợp với yêu cầu xã hội.
Khái niệm giáo dục đạo đức là gì?
Xem thêm:
→ Kho đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục miễn phí [Update 2022]
Bản chất giáo dục đạo đức là một chuỗi những tác động có tính định hướng của chủ thể giáo dục và yếu tố tự giáo dục của học sinh từ đó giúp học sinh nhận thức đúng, tạo lập tình cảm và thái độ đúng, hình thành thói quen hành vi văn minh trong cuộc sống, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Từ đó nhân cách con người mới được hình thành và phát triển.
Giáo dục đạo đức được coi là bộ phận quan trọng có tính nền tảng của giáo dục, có nhiệm vụ rèn luyện lý tưởng, ý thức, thói quan và hình thành ở người học các phẩm chất đạo đức cần thiết như lòng nhân ái,yêu tổ quốc, yêu lao động,… giáo dục đạo đức gắn chặt với giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục pháp luật,…
Giáo dục đạo đức giúp nhân cao nhận thức các giá trị đạo đức, góp phần tạo ra các giá trị đạo đức mới, xây dựng những quan điểm, phẩm chất đạo đức mới và hình thành quan niệm sống tích cực cho mỗi đối tượng giáo dục. Ngoài ra, giáo dục đạo đức cũng góp phần khắc phục các quan điểm đạo đức lạc hậu, lệch chuẩn các giá trị nhân cách, chống lại các hiện tượng phi đạo đức, vô văn hóa,…
Về mục tiêu: Mục tiêu của hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh là nhằm chuyển hóa những chuẩn mực, những nguyên tắc đạo đức của xã hội trở thành những phẩm chất đạo đức, nhân cách riêng của học sinh, hình thành thái độ đúng đắn trong giao tiếp, ý thức tự giác thực hiện các chuẩn mực xã hội, thói quen chấp hành các quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ: Nhiệm vụ của hoạt động giáo dục đạo đức nhằm hình thành và phát triển ý thức đạo đức của học sinh, giúp cho học sinh có nhận thức đúng về các vấn đề liên quan đến kỷ luật và ý thức trách nhiệm, hình thành cho học sinh thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, hiểu biết về những chuẩn mực, giá trị đạo đức, pháp luật, hình thành tình cảm, niềm tin và có hành vi, hành động đúng đắn, phù hợp với những chuẩn mực chung của xã hội. Dẫn dắt học sinh hình thành hành vi, thói quen đạo đức, ý thức tích cực, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực. Mục đích cuối cùng của hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh không chỉ dừng lại ở việc truyền tải kiến thức, vai trò và tầm quan trọng của đạo đức trong cuộc sống hàng ngày mà quan trọng hơn là kết quả giáo dục đạo đức phải được chuyển hóa thành tình cảm, niềm tin, hành động thực tế của học sinh trong cuộc sống hàng ngày. Định hướng giá trị đạo đức cho học sinh là có lý tưởng, ước mơ tốt đẹp, ý thức công dân và tuân thủ pháp luật.
Về kiến thức: Giúp cho học sinh nhận thức được các chuẩn mực đạo đức của xã hội, rèn luyện kỹ năng, hành vi theo các chuẩn mực này, đồng thời hình thành ý thức, thái độ trong học sinh về đạo đức. Hiểu được các quy luật cơ bản của phát triển xã hội, ý thức làm nhiệm vụ công dân. Các vấn đề cơ bản trong đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Niềm tin và lí tưởng sống của thanh niên giúp học sinh xác định đúng đắn động cơ học tập và rèn luyện đạo đức. Biết nhận thức đúng về sự phù hợp giữa hành vi ứng xử của mình đối với các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Nắm được các yêu cầu cơ bản về đạo đức của người công dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng lòng yêu nước, yêu hòa bình, yêu chủ nghĩa xã hội, có tinh thần yêu lao động sáng tạo, có tinh thần cộng đồng và quốc tế, có thái độ xây dựng và bảo vệ môi trường…
Về kỹ năng: Qua hoạt động giáo dục đạo đức đánh giá được quan điểm, hành vi, hiện tượng đạo đức của bản thân và những người xung quanh theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội, biết lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp với từng mối quan hệ và các giá trị xã hội. Biết bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái đẹp và đấu tranh phê phán với các hiện tượng, hành vi tiêu cực trong cuộc sống, biết tự điều chỉnh, hoàn thiện bản thân ngày càng hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu đạo đức xã hội.
Về thái độ: Bồi dưỡng cho học sinh hình thành cảm xúc, hình thành niềm tin với các hiện tượng xung quanh để có thái độ đúng đắn đối với các hành vi sai trái từ đó mà hành động theo đúng các chuẩn mực của xã hội. Giúp cho học sinh có thái độ tự trọng, tự tin vào khả năng của bản thân; có trách nhiệm với hành động của mình; yêu thương, tôn trọng các giá trị đạo đức, tôn trọng con người. Luôn luôn tự hoàn thiện nhân cách bản thân; tôn trọng những giá trị đạo đức truyền thống và giá trị nhân cách phù hợp với các quy định của nhà trường, các chuẩn mực của xã hội và quy định của pháp luật.
Mục tiêu, nhiệm vụ của hoạt động giáo dục đạo đức nhằm giúp cho học sinh phát triển toàn diện, hoàn thiện phẩm chất, khẳng định được những giá trị của bản thân, có được những hành vi phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội, làm cho quá trình giáo dục đạo đức tác động trực tiếp đến người học để hình thành ý thức tình cảm và niềm tin đạo đức, hình thành được những thói quen tốt, biết được vai trò, trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và mọi người xung quanh.
Mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh là gì?
Để giáo dục đạo đức đạt hiệu quả, chúng ta cần thực hiện giáo dục đạo đức với các nội dung sau:
Giáo dục tri thức đạo đức: Tri thức được xem là nhân tố cơ bản, cốt lõi của ý thức con người, là kết quả của quá trình nhận thức thế giới, phản ánh của thế giới khách quan.Tri thức đạo đức giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hình thành, phát triển nhân cách con người. Gồm có tri thức đạo đức thông thường, tri thức đạo đức lý luận, sự phát triển của tri thức đạo đức thông thường lên trình độ lý luận là sản phẩm tất yếu của sự phát triển xã hội.
Giáo dục tình cảm đạo đức: Tình cảm đạo đức là yếu tố cấu thành, là hình thái biểu hiện và một cấp độ của ý thức đạo đức.Trong điều kiện của nước ta hiện nay,giáo dục đạo đức tình cảm đạo đức càng có ý nghĩa quan trọng. Cùng với sự điều tiết cơ chế thị trường, giáo dục tình cảm đạo đức sẽ góp phần tích cực khắc phục những tình trạng suy đồi và bồi đắp lại tình cảm đạo đức tốt đẹp của con người.
Giáo dục lý tưởng đạo đức: Lý tưởng đạo đức là yếu tố quan trọng cấu thành ý thức đạo đức cá nhân. Lý tưởng đạo đức là cơ sở lựa chọn giá trị, là mục tiêu cao nhất của hành vi đạo đức và đánh giá đạo đức. Lý tưởng đạo đức là quan niệm về cái cần vươn tới bao hàm yếu tố lựa chọn, mong muốn, khao khát vì vậy nó chứa đựng yếu tố tình cảm đạo đức.
Giáo dục giá trị đạo đức: Giá trị đạo đức gồm giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, giá trị đạo đức cách mạng và tinh hoa đạo đức của nhân loại.Trong giá đạo đức của dân tộc, truyền thống đạo đức là mạch chủ đạo, chi phối đến suy nghĩ, hành vi ứng xử, đạo lý làm người của người Việt Nam.
Khái niệm hoạt động giáo dục đạo đức: Theo tác giả Trần Thị Hương: Xét theo nghĩa hẹp, hoạt động giáo dục là hoạt động phối hợp, thống nhất hoạt động chủ đạo của nhà giáo dục và hoạt động tự giác, tích cực, chủ động tự giáo dục của người được giáo dục (học sinh) nhằm hình thành và phát triển những phẩm chất nhân cách phù hợp với yêu cầu xã hội. Như vậy, hoạt động giáo dục đạo đức là quá trình hình thành và phát triển các phẩm chất đạo đức của học sinh được tổ chức có mục đích, có kế hoạch, nội dung, phương pháp và hình thức của chủ thể giáo dục nhằm hình thành và phát triển toàn diện nhân cách người học.
Khái niệm quản lý hoạt động giáo dục đạo đức: Khái niệm quản lý: Quản lí là một quá trình tác động có tổ chức, có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm có thể sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của tổ chức để đạt được mục đích của tổ chức đã đề ra.
Khái niệm quản lý hoạt động giáo dục đạo đức: Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh bao gồm quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trong phạm vi nhà trường, gia đình và xã hội, đó là quá trình tác động của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đưa hoạt động giáo dục đạo đức đạt kết quả mong muốn.
Như vậy, quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lý đến các lực lượng giáo dục, học sinh và các hoạt động giáo dục trong trường phổ thông nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục đạo đức cho học sinh.
Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức là gì?
Lập kế hoạch quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh: Đây là nội dung quản lý được thực hiện đầu tiên trong quá trình quản lý giáo dục đạo đức và giữ vị trí quan trọng trong suốt quá trình giáo dục đạo đức. Nó là công cụ quản lý giáo dục đạo đức một cách có hiệu quả, tránh sự tùy tiện đồng thời giúp nhà quản lý chủ động và hành động đúng hướng. Việc lập kế hoạch gồm các yếu tố như: xác định tình trạng đạo đức,diễn biến về đạo đức, xác định mục tiêu, phương hướng cụ thể cần đạt đến, nội dung giáo dục đạo đức,…
Để thực hiện kế hoạch quản lý giáo dục đạo đức, người lãnh đạo như hiệu trưởng, cán bộ quản lý cần tiến hành tổ chức bộ máy nhân sự, bộ máy quản lý với vai trò, chức năng rõ ràng phù hợp với mục tiêu giáo dục và đào của nhà trường, phù hợp với phương thức hoạt động.
Trên cơ sở đó, người quản lý thực hiện các công việc cụ thể chỉ ra các nhiệm vụ chức năng của từng thành viên,thiết lập mối quan hệ trong mọi hoạt động và các quyết định giao việc cho từng bộ phận và cá nhân thực hiện các nội dung đề ra.
Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh: Trong việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch hóa giáo dục đạo đức, cán bộ quản lý cần chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đúng theo nội dung yêu cầu đề ra về tiến độ thời gian, thường xuyên kiểm tra, uốn nắn những sai lệch,….
Kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục đạo đức: Để hoạt động quản lý hoạt động đạo đức đạt hiệu quả, cán bộ quản lý cần tiến hành kiểm tra thường xuyên nhằm xem xét hoạt động của các cá nhân, tổ chức có phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra hay không. Nếu có sai sót cần nhanh chóng điều chỉnh để đi đúng hướng.
Năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên: Đội ngũ giáo viên là lực lượng có tác động lớn đến đạo đức học sinh, chất lượng của đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng đạo đức học sinh. Vì vậy, mỗi cán bộ giáo viên phải là những tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, tận tâm,…
Sự tích cực, hưởng ứng và yếu tố tự giáo dục của học sinh: Trong quá trình hình thành nhân cách, học sinh phải tự tu dưỡng giáo dục bản thân. Sự hình thành phát triển đạo đức của mỗi người là một quá trình phức tạp lâu dài với nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, mỗi học sinh từ chỗ là đối tượng của giáo dục dần trở thành chủ thể giáo dục tu dưỡng, rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách đạo đức cho mình.
Tác động từ gia đình: Gia đình là môi trường cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người. Trong đó, cha mẹ là người thầy đầu tiên giáo dục cho con em mình những phẩm chất nhân cách cơ bản làm nền tảng cho quá trình phát triển toàn diện về đạo đức, trí lực,…Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức cho học sinh là điều cần thiết để đem lại hiệu quả cho công tác này.
Tác động từ xã hội: Giáo dục xã hội tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách học sinh qua hình thức tự phát và tự giác. Ảnh hưởng tự giác là các yếu tố tích cực và tiêu cực của đời sống xã hội và ảnh hưởng tự giác là tổ hợp các tác động trực tiếp hay gián tiếp có hướng đích, có nội dung.
Điều kiện cơ sở vật chất, tài chính nhà trường: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học là phương tiện lao động sư phạm của nhà giáo dục và học sinh. Nguồn lực tài chính, thiết bị dạy học,…đầy đủ sẽ giúp cho công tác quản lý hoạt động giáo dục đạo đức đạt hiệu quả.
Nói tóm lại, giáo dục đạo đức nhắm đến mục tiêu là làm sao cho quá trình giáo dục đạo đức tác động trực tiếp đến người học từ đó hình thành ý thức tình cảm và niềm tin đạo đức, tạo lập được những thói quen hành vi đạo đức của họ.
Trên đây, Luận Văn 2S đã cùng bạn đọc tìm hiểu các nội dung kiến thức xoay quanh khái niệm giáo dục đạo đức là gì. Chúng tôi hy vọng rằng với những chia sẻ đề cập trong bài viết này sẽ hữu ích dành cho bạn đọc.
Hà Nội: Tòa nhà Detech Tower - Số 8 Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đà Nẵng: Toà nhà Thành Lợi 2 - Số 3 Lê Đình Lý, Thạc Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng.
Hồ Chí Minh: Tòa nhà Hải Hà - 217 Đường Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh.
Cần Thơ: Ba Tháng Hai, Xuân Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ.
Hotline: 0976 632 554
Email: 2sluanvan@gmail.com