Có thể thấy rằng, đến thời điểm hiện nay, phương pháp phân tích chuỗi giá trị là sự lựa chọn hàng đầu trong việc phân tích các sản phẩm mang tính hệ thống từ khâu đầu vào sản xuất cho đến đầu ra tiêu thụ vì thể hiện rõ sự vận hành của toàn hệ thống sản phẩm. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về chuỗi giá trị là gì, chúng ta cùng đón đọc bài viết dưới đây cùng Luận Văn 2S nhé.
Có nhiều định nghĩa về chuỗi giá trị (Tiếng Anh: Value Chain) như sau:
Theo nghĩa hẹp, Michael Porter (1985) cho rằng: Chuỗi giá trị của một ngành hay một doanh nghiệp gồm các hoạt động chính là hoạt động bổ trợ nhằm tạo nên lợi thế cạnh tranh khi được cấu hình một cách thích hợp. Theo đó, chuỗi giá trị bao gồm một chuỗi các hoạt động mà các sản phẩm trải qua tất cả các hoạt động của chuỗi theo một thứ tự và tại mỗi hoạt động thì sản phẩm được gia tăng thêm một số giá trị. Chuỗi các hoạt động cung cấp cho sản phẩm nhiều giá trị gia tăng hơn tổng giá trị gia tăng của các hoạt động công lại.
Kaplinsky & Morris (2001): Đưa ra định nghĩa về chuỗi giá trị đơn giản và chuỗi giá trị mở rộng như sau:
Chuỗi giá trị đơn giản là chuỗi giá trị mô tả toàn bộ các hoạt động cần thiết để đưa một sản phẩm hay dịch vụ từ khái niệm đến các công đoạn sản xuất khác nhau, đưa đến người tiêu dùng sau cùng và bố trí sau sử dụng. Một chuỗi giá trị được mô tả như một chuỗi các hoạt động sản xuất hay kinh doanh trong đó mỗi mắt xích sẽ có nhiều hoạt động và các mắt xích trong nội bộ chuỗi mang bản chất hai chiều, một chuỗi giá trị tồn tại khi tất cả những người tham gia trong chuỗi đều hoạt động để mang lại giá trị tối đa cho toàn chuỗi.
Chuỗi giá trị mở rộng có nhiều mắt xích hơn, phức tạp hơn được mở rộng ngoài tổ chức và cá nhân, có nhiều người tham gia khác nhau cùng thực hiện để chế biến nguyên liệu thô thành sản phẩm bán tới tay người tiêu dùng. Mỗi sản phẩm đều mang giá trị, việc xâu chuỗi các mắt xích giá trị kết nối lại với nhau tạo thành chuỗi giá trị mở rộng từ chuỗi cung ứng đầu vào sản xuất cho đến mạng lưới phân phối. Các hoạt động này có mối liên quan mật thiết với nhau kết hợp sản phẩm và dịch vụ mang đến cho khách hàng cuối cùng, sẽ huy động nhiều yếu tố kinh tế khác nhau, trong đó các ngành tương tác đồng bộ với người địa phương để tạo ra chuỗi mở rộng.
Từ các định nghĩa trên, có thể kết luận chung nhất về chuỗi giá trị như sau: Chuỗi giá trị là một hoạt động kinh doanh có quan hệ với nhau từ việc cung cấp các nguyên liệu đầu vào cho một sản phẩm cho đến sơ chế, vận chuyển, tiếp thị và việc cuối cùng là bán sản phẩm đó cho khách hàng tiêu dùng.
Khái niệm chuỗi giá trị là gì?
Có 3 cách tiếp cận chuỗi giá trị chính bao gồm:
Khung phân tích của Porter: Trong khung phân tích của Michael Porter, khái niệm chuỗi giá trị không trùng với ý tưởng về chuyển đổi vật chất. Michael Porter giới thiệu ý tưởng, theo đó tính cạnh tranh của một công ty không chỉ liên quan đến quy trình sản xuất. Tính cạnh tranh của doanh nghiệp được phân tích qua việc xem xét chuỗi giá trị như thiết kế sản phẩm, mua vật tư đầu vào, hậu cần bên trong và bên ngoài, tiếp thị,…Do đó, trong khung phân tích của Michael Porter, khái niệm chuỗi giá trị chỉ áp dụng trong kinh doanh. Phân tích chuỗi giá trị chủ yếu giúp hỗ trợ các hoạt động quản lý, điều hành đưa ra các quyết định mang tính chiến lược.
Đặc điểm chính cách tiếp cận khung phân tích của Michael Porter có thể tóm tắt rằng: Xác định lợi thế cạnh tranh bằng cách tách biệt doanh nghiệp thành một chuỗi các hoạt động. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được phân tích bằng chuỗi giá trị, việc phân tích chuỗi giá trị nhằm phục vụ cho mục tiêu ra quyết định quản lý và các chiến lược quản trị.
Phương pháp “Filière”: Phương pháp này có hai hướng phân tích chính, hướng thứ nhất là đánh giá kinh tế và tài chính, trong đó tập trung chủ yếu phân tích việc tạo ra thu nhập và phân phối thu nhập trong ngành hàng, tách rời chi phí và thu nhập giữa các thành phần thương mại của địa phương và quốc tế, cuối cùng là phân tích vai trò của ngân hàng đối với nền kinh tế quốc gia. Hướng thứ hai tập trung vào phân tích chiến lược, trong đó phân tích sự ảnh hưởng lẫn nhau của các mục tiêu, sự ràng buộc và kết quả của từng tác nhân tham gia, xây dựng chiến lược cá nhân và tập thể. Đặc điểm chính là cách tiếp cận này là tập trung vào các mối quan hệ kỹ thuật, định lượng và vật chất trong chuỗi, thực hiện tóm tắt trong các biểu đồ dòng chảy của hàng hóa vật chất, xác định các tác nhân tham gia và sơ đồ hóa các quan hệ chuyển dạng sản phẩm.
Phương pháp tiếp cận toàn cầu: Đặc điểm chính của phương pháp tiếp cận toàn cầu là phân tích cách thức các công ty và quốc gia hội nhập toàn cầu, đánh giá các yếu tố quyết định đến sự phân phối thu nhập toàn cầu, phân phối thu nhập của chuỗi giá trị cho các tác nhân trong chuỗi, tìm hiểu các công ty, khu vực và quốc gia liên kết với nền kinh tế toàn cầu như thế nào.
Bốn kỹ thuật phân tích chính:
Sơ đồ hóa mang tính hệ thống: Những tác nhân tham gia sản xuất, phân phối,tiếp thị vá bán một (hay các sản phẩm) cụ thể bao gồm việc đánh giá các đặc điểm của các tác nhân tham gia, cơ cấu lợi nhuận và chi phí,…Những chi tiết như thế có thể được thu thập từ việc phối hợp khảo sát cơ bản, phỏng vấn nhóm, đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia, các phỏng vấn không chính thức,…
Xác định sự phân phối lợi ích chung giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi: Phân tích chênh lệch giá và lợi nhuận trong chuỗi từ đó xác định ai được lợi từ việc tham gia chuỗi và những tác nhân nào có thể được hưởng lợi từ việc hỗ trợ hay tổ chức lại sản xuất.
Nghiên cứu vai trò nâng cấp bên trong chuỗi: Việc cải tiến trong chất lượng và thiết kế sản phẩm giúp cho các nhà sản xuất thu được giá trị cao hơn hoặc qua việc đa dạng hóa các dòng sản phẩm cung cấp. Đánh giá lợi nhuận của những người tham gia trong chuỗi cung như thông tin về những ràng buộc hiện diện mới đây như vấn đề về quản trị, cấu trúc các quy định, rào cản gia nhập ngành,…
Nhấn mạnh vai trò quản lý: Có thể thấy rằng, cơ cấu của các mối quan hệ và cơ chế điều phối tồn tại giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, góc độ chính sách bao gồm việc xác định các sắp xếp về thể chế nhằm cải thiện năng lực hoạt động của chuỗi, xóa bỏ các bóp méo trong phân phối và gia tăng giá trị gia tăng trong ngành.
Cách tiếp cận và kỹ thuật phân tích chuỗi giá trị
Thứ nhất, ở mức độ cơ bản thì một phân tích chuỗi giá trị lập sơ đồ một cách hệ thống các bên tham gia vào sản xuất, phân phối, tiếp thị để bán một hay nhiều sản phẩm cụ thể.Việc lập hồ sơ này đánh giá các đặc điểm của những người tham gia, cơ cấu lãi và chi phí, dòng hàng hóa trong chuỗi, đặc điểm việc làm và khối lượng, điểm đến của hàng hóa được bán trong nước và ngoài nước. Những chi tiết này có thể thu thập được nhờ kết hợp điều tra thực địa, thảo luận nhóm tập trung, phỏng vấn thông tin và số liệu thứ cấp.
Thứ hai, phân tích chuỗi giá trị có vai trò quan trọng trong việc xác định sự phân phối lợi ích của những người tham gia trong chuỗi, có ý nghĩa phân tích lợi nhuận và lợi nhuận bên trên một sản phẩm trong chuỗi để xác định ai được hưởng lợi tham gia chuỗi và những người tham gia nào có thể được hưởng lợi nhờ được tổ chức và hỗ trợ nhiều hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh của các quốc gia đang phát triển.
Thứ ba, phân tích chuỗi giá trị được dùng để xác định vai trò của việc nâng cấp trong chuỗi giá trị. Việc nâng cấp gồm cải thiện chất lượng và thiết kế sản phẩm nhằm mục đích giúp nhà sản xuất thu được giá trị cao hơn hoặc đa dạng hóa các dòng sản phẩm.
Thứ tư, phân tích chuỗi giá trị có thể nhấn mạnh vai trò của quản trị trong chuỗi giá trị. Quản trị trong chuỗi giá trị đề cập đến cơ cấu các mối quan hệ và cơ chế điều phối tồn tại giữa các bên tham gia trong chuỗi giá trị. Giá trị quan trọng từ góc độ chính sách qua việc xác định các sắp xếp về thể chế có thể cần quan tâm để nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị, điều chỉnh các sai lệch và phân phối, tăng giá trị gia tăng trong ngành.
Nội dung phân tích chuỗi giá trị gồm các nội dung như sau:
Lập sơ đồ chuỗi giá trị: Bước này giúp chúng ta hiểu được chuỗi giá trị mà mình muốn phân tích, cần sử dụng các mô hình, bảng, biểu đồ, số liệu và các hình thức khác để mô tả các tác nhân, đặc điểm và kết quả hoạt động của từng tác nhân đó. Qua việc sử dụng các sơ đồ vẽ các chuỗi giá trị, chúng ta dễ nhận thấy và dễ hiểu hơn trong quá trình nghiên cứu.
Xác định chi phí và lợi nhuận: Bước tiếp theo cần thực hiện là nghiên cứu sâu một số khía cạnh của chuỗi giá trị. Có nhiều khía cạnh có thể được chọn để nghiên cứu tiếp nhưng việc xác định chi phí và lợi nhuận xác định số tiền mà một người tham gia chuỗi bỏ ra và số tiền mà họ sẽ nhận được là điều có ý nghĩa hơn cả.
Phân tích công nghệ, kiến thức: Công nghệ áp dụng trong sản xuất là nói đến công nghệ truyền thống, công nghệ cao. Phân tích công nghệ và kiến thức để phân tích tính hiệu quả và hiệu lực của công nghệ, kiến thức dùng trong chuỗi giá trị. Từ việc xác định loại hình công nghệ đang áp dụng so với những đòi hỏi công nghệ, kiến thức của chuỗi giá trị từ đó thấy được mức độ hợp lý của công nghệ đang áp dụng từ đó đưa ra các giải pháp cho sự lựa chọn cải tiến nâng cấp công nghệ nhằm đáp ứng chất lượng sản phẩm đầu ra, tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập cho chuỗi.
Phân tích thu nhập: Mục tiêu là phân tích tác động, phân bổ thu nhập trong và giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị theo cấp bậc. Phân tích tác động của hệ thống quản trị chuỗi giá trị đến sự phân bổ thu nhập và giá sản phẩm cuối cùng.
Phân tích việc làm: Mục đích là phân tích tác động của chuỗi giá trị đến việc phân bổ việc làm giữa các tác nhân tham gia chuỗi như miêu tả sự phân bổ việc làm theo chuỗi giá trị, miêu tả sự năng động của việc làm dọc theo chuỗi giá trị. Phân tích ảnh hưởng của các hệ thống quản trị khác nhau của chuỗi giá trị đến sự phân bổ việc làm. Phân tích sự tác động của các chiến lược khác nhau lên sự phân bổ việc làm.
Quản trị và các dịch vụ: Mục tích là phân tích các nhà tham gia trong chuỗi phối hợp với các hoạt động của họ thông qua các nguyên tắc chính thức và không chính thức như hiểu sự tuân thủ nguyên tắc được giám sát như thế nào, phân tích những nhóm khác nhau của những người tham gia chuỗi có thể nhận những hình thức hỗ trợ đầy đủ như thế nào để có thể giúp họ đạt được các tiêu chuẩn yêu cầu.
Sự liên kết giữa các tác nhân: Trong nghiên cứu chuỗi giá trị, cần tiến hành miêu tả mối liên kết giữa những người tham gia trong chuỗi giá trị và mối liên kết của họ đối với các tác nhân ngoài chuỗi. Sự liên kết này được thể hiện qua việc miêu tả những cam kết, trách nhiệm và lợi ích giữa những người tham gia, và việc áp dụng cho sự phát triển chung của chuỗi.
Nội dung phân tích chuỗi giá trị chi tiết
Bài viết cùng chuyên mục:
→ Luận văn thạc sĩ kinh tế nông nghiệp [Download miễn phí 2022]
Chuỗi giá trị cũng được áp dụng rộng rãi trong phân tích sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là khi vấn đề truy nguyên nguồn gốc nông sản và an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối được đông đảo mọi người quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây.
Theo Casuga và cộng sự (2008), chuỗi giá trị nông nghiệp được định nghĩa là một loạt các hoạt động trong cả quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp bắt đầu bằng cung cấp đầu vào, sản xuất, chế biến nhằm mục đích gia tăng giá trị cho thành phẩm cuối cùng và kết thúc bằng phân phối tiếp thị và bán cho người tiêu dùng cuối cùng.
Trong đó, cung cấp đầu vào bao gồm các hoạt động mua sắm nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất. Ở giai đoạn này, đầu vào sản xuất sẽ được cung cấp cho người sản xuất thông qua thương lái một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ví dụ như các nhà cung cấp hạt giống có thể trực tiếp đầu tư cho người nông dân hoặc đầu tư gián tiếp thông qua thương lái hoặc các tổ chức trung gian khác. Chế biến hoặc sản xuất bao gồm các hoạt động nhằm mục đích biến đổi nguyên liệu thô đầu vào thành sản phẩm hoàn chỉnh (thành phẩm). Ở giai đoạn này, sản phẩm nông nghiệp sẽ được những người thu mua mua lại từ nhà sản xuất và phân phối cho các đối tượng khác trong kênh tiếp thị.
Còn theo tác giả Miller & Jones (2010), chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm tất các hoạt động và các người tham gia có liên quan để đưa một sản phẩm nông nghiệp từ nhà cung cấp đầu vào, qua người trồng trọt (nông dân) để đến tay người tiêu dùng.
Từ những quan điểm trên về chuỗi giá trị nông nghiệp, ta có thể rút ra kết luận khái niệm chuỗi giá trị nông nghiệp là tất cả các hoạt động từ khâu cung ứng nguyên vật liệu đầu vào hoặc vốn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm mục đích tạo ra sản phẩm nông nghiệp, trải qua các công đoạn thu mua, làm sạch, sơ chế/ chế biến, đóng gói và phân phối sản phẩm nông nghiệp đến tay người tiêu dùng.
Chuỗi giá trị nông sản giản đơn: Hoạt động trong các khâu cơ bản từ điểm khởi đầu sản xuất ra nông sản đến điểm kết thúc của sản phẩm, nghĩa là bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Lấy ví dụ như một nông hộ sản xuất rau xanh, sau khi thu hoạch họ trực tiếp mang ra chợ bán cho người tiêu dùng. Trước khi mang ra chợ bán, người nông dân này có thể đã sơ chế rau của họ bằng cách cắt bỏ rễ, nhặt lá sâu hay rửa sơ qua bằng nước… Trong chuỗi giá trị này chỉ có sự tham gia của 02 chủ thể là người sản xuất trực tiếp và người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp cuối cùng.
Chuỗi giá trị nông sản mở rộng: Được định nghĩa là việc chi tiết hoá hoặc chuyên môn hoá các hoạt động và các khâu trong chuỗi giá trị nông sản giản đơn. Mức độ chi tiết, chuyên môn hoá trong chuỗi giá trị nông sản mở rộng càng cao càng chứng tỏ có sự tham gia của nhiều bên và có liên quan đến nhiều chuỗi giá trị khác nhau.
Ví dụ về chuỗi giá trị nông sản mở rộng:
Chuỗi giá trị nông nghiệp là gì?
Thuỳ theo từng sản phẩm nông nghiệp khác nhau, chuỗi giá trị nông nghiệp có thể liên quan đến các tác nhân trực tiếp như nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, người sản xuất, nhà chế biến, thương lái địa phương, nhà bán sỉ, xuất khẩu… và các tác nhân gián tiếp như
các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công và khu vực tư nhân hay những tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị nông sản có thể kể đến là: Hộ gia đình, trang trại, thương nhân, doanh nghiệp người tiêu dùng thành phẩm; cơ sở nghiên cứu; tổ chức tài chính tín dụng như ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân; các cơ sở bán lẻ, siêu thị…
Tham gia vào công đoạn chế biến nông sản lại gồm nhiều hình thức như sản xuất nông sản thô, chế biến thủ công, chế biến cơ giới, chế biến tự động hóa và kết hợp giữa thủ công và tự động hóa.
Điều quan trọng là giá trị gia tăng được tạo ra ở các nhóm công đoạn khác nhau, thường thì ở công đoạn sản xuất nông sản thô chỉ tạo ra giá trị gia tăng thấp bởi năng suất của ngành nông nghiệp thấp hơn so với khu vực chế tạo, đã vậy còn hứng chịu những bất lợi do đối tượng sản xuất là những sinh vật sống có quy luật sinh trưởng và phát triển riêng, chịu sự ảnh hưởng của khả năng sử dụng đất đai, nguồn nước cũng như ảnh hưởng của các điều kiện khí hậu, thời tiết…
Trên đây là những thông tin xoay quanh khái niệm chuỗi giá trị là gì, chuỗi giá trị nông nghiệp là gì. Hy vọng rằng với những chia sẻ này, bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích phục vụ cho công việc học tập nói chung và viết luận văn nói riêng. Đừng quên dịch vụ viết luận văn thuê của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7.
Hà Nội: Tòa nhà Detech Tower - Số 8 Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đà Nẵng: Toà nhà Thành Lợi 2 - Số 3 Lê Đình Lý, Thạc Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng.
Hồ Chí Minh: Tòa nhà Hải Hà - 217 Đường Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh.
Cần Thơ: Ba Tháng Hai, Xuân Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ.
Hotline: 0976 632 554
Email: 2sluanvan@gmail.com